Còn gì tuyệt vời hơn khi được đến Sa Pa để tránh cái nắng nóng của mùa hè. Dưới đây là một số thông tin hữu ích mà chúng tôi muốn cung cấp về mảnh đất Tây Bắc thi vị này để giúp bạn thêm yên tâm tận hưởng chuyến đi lý thú của mình.
Thời điểm tốt nhất để đến Sa Pa là từ tháng 9 đến tháng 11 hoặc từ tháng 3 đến 5. Vào thời điểm này thời tiết khá ổn định, ngày nắng khô, đêm lạnh.
Vào tháng 4 – 5, Sa Pa tràn ngập trong sắc hoa đua nở và những cánh đồng xanh mướt. (Ảnh: Internet)
Chuẩn bị hành lý
Nếu bạn thường xuyên du lịch, hãy chọn loại vali nhỏ chất lượng. Vali vừa đủ nhét vào khoang hành lý, nhưng cũng đủ lớn để chứa quần áo, đồ dùng cá nhân từ 2 đến 5 ngày. Đi Sa Pa, bạn chỉ nên đem giày dép màu nâu hoặc đen. Trời sẽ trở lên lạnh vào buổi tối bạn nên mang theo áo khoác mỏng vào mùa hè. Bạn nên mang theo khăn choàng cổ, găng tay, mũ len thật ấm nếu đến Sa Pa mùa đông. Mang theo áo mưa, ô che nắng trong trường hợp thời tiết thay đổi.
Phương tiện đi lại
Từ Hà Nội, chúng ta có 2 phương tiện là tàu hỏa và xe ô tô để lên đến Sa Pa:
Tàu hỏa: Một ngày có 2 chuyến khởi hành Hà Nội – Lào Cai và ngược lại với các giờ chạy là: 21h35, 22h00,; chiều về là 20h55 và 21h40 . Bạn sẽ mất 8 tiếng để lên đến Lào Cai. Vào các mùa cao điểm bạn nên liên hệ trước với các đại lý bán vé tàu đi Sa Pa để đặt vé khứ hồi, tránh trường hợp bạn sẽ không thể mua vé về Hà Nội.
Tàu hỏa - phương tiện thông dụng đi Sa Pa. (Ảnh: Dulichsapa)
Giá vé một chiều HN – Lào Cai dao động từ 250.000 đồng/người đến 650.000 đồng/người tùy theo vé mà bạn lựa chọn là giường nằm hay ghế ngồi. Bạn nên ra thẳng ga Hà Nội để mua vé, tốt nhất là trước đó khoảng 3-5 ngày, nếu đi được vào các ngày trong tuần thì sẽ không lo bị hết vé go.htm" style="text-decoration: none;" target="_blank">áo bóng đá không logo . Nếu mua giường nằm, bạn có thể chọn tầng 1 để dễ dàng di chuyển. Nếu đi cùng gia đình, hãy đăng ký cả một khoang để thuận tiện trong việc quản lý hành lý.
Điểm lưu ý đặc biệt, bạn phải đọc kỹ thông tin trên vé về số toa, số phòng, tránh trường hợp nhầm lẫn (cùng số phòng nhưng khác số toa) sẽ rất phiền phức khi bạn đổi lại sau đó.
Từ ga Lào Cai bạn đi xe bus lên Sa Pa với giá khoảng 50.000 đồng/người.
Ô tô: Bạn có thể lựa chọn một trong 2 hãng xe được đánh giá là tốt nhất hiện nay cho hành trình Hà Nội – Lào Cai là xe Vietbus và xe Hưng Thành. Xe giường nằm, điều hòa với giá vé khá mềm, chiều Hà Nội - Lào Cai trung bình là 150.000 đồng đến 180.000 đồng/ người, từ Lào Cai lên Sa Pa là 50.000 đồng/người.
Xe bus giường nằm rất thuận tiện và thoải mái. (Ảnh: Internet)
Tại Sa Pa, nếu bạn có nhu cầu tự mình lái xe đi khám phá các địa điểm vui chơi thì bạn có thể thuê xe máy để chủ động đi lại với giá khoảng từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày (xăng bạn tự đổ).
Khách sạn
Ở Sa Pa có rất nhiều khách sạn với nhiều mức giá khác nhau để bạn có thể lựa chọn. Đắt nhất là Victoria, Châu Long, khách sạn hạng vừa có Sa Pa View, Bamboo, Holiday, Fansipan View... hạng chuẩn có khách sạn Sa Pa, Sa Pa Star Light, Công đoàn... Các khách sạn này đều có giá cả phù hợp theo loại lựa chọn và rất chuyên nghiệp.
Khách sạn Victoria. (Ảnh: Internet)
Thông thường khách sạn lớn nào cũng có nhà hàng và cũng có phục vụ ăn sáng buffet miễn phí (bao gồm trong tiền phòng), suất chỉ khoảng 90.000-100.000 đồng/khách là trung bình (ăn theo set menu), hoặc tự chọn (A la cart) thì sẽ đắt hơn, nhưng đồ ăn đảm bảo hơn và cũng sạch sẽ hơn.
Ăn uống
Bữa sáng: Quán phở gà ta đối diện bến xe thị trấn hoặc vào trong chợ Sa Pa có quán phở nhà sàn ăn ngon rất ngon và giá cả phải chăng.
Ăn trưa – tối: Có hai quán được nhiều người bản xứ giới thiệu có tên là Dũng hoặc Hoa Đào đồ ăn ngon, giá cả vừa phải hoặc một loạt các hàng ăn ở bên hông nhà thờ Sa Pa. Rau Sa Pa đặc biệt ngon lành, hấp dẫn, đây cũng là món du khách nên thưởng thức. Còn vào buổi tối có không khí se lạnh, bạn có thể gọi món lẩu gà dùng kèm nhiều rau xanh tươi ngọt..
Ăn đêm, ăn vặt: Ăn đồ nướng, trứng nướng, thịt xiên ỏ một loạt các hàng vỉa hè gần nhà thờ (đường đi lên núi Hàm Rồng) và đoạn Hồ. Số lượng đồ nướng ở đây phải nói là bạt ngàn.
Sa Pa nổi tiếng với món đồ nướng. (Ảnh: Foody)
Nếu chỉ định ăn thử mỗi thứ một ít thì đảm bảo khi đứng lên bạn cũng phải căng đẫy bụng rồi. Mà nếu có chọn ra một số loại để ăn thì khi về bạn sẽ tiếc hùi hụi, bởi đồ nướng ở Sa Pa, mỗi thứ đều được tẩm ướp với hương vị khác nhau, chẳng có món nào giống món nào đâu.
Ví như món bò cuốn cải mèo, hẹ tươi chẳng hạn, vị đắng đặc trưng của cải mèo sẽ làm bạn phải “nhăn nhó” nhưng không thể dừng ăn, hay củ khoai tím bở tơi ngọt lừ và cả món đậu phụ nhự hơi “khó ăn” lúc ban đầu nhưng khi quen rồi thì lại đâm nghiện, rồi thì một loạt chả cá hồi, chả tôm, chả mực, lòng phèo, cơm lam, bí bao tử….
Cà phê: Quán cà phê ở Sa Pa khá phổ biến, nơi có nhiều view đẹp phải kể đến phố Cầu Mây với phong cách châu Âu lãng mạn. Thưởng thức một ly cà phê nóng hổi trong hơi sương se lạnh, bạn sẽ cảm nhận được âm hưởng độc đáo, thú vị của cuộc sống vùng cao.
Bar: Nếu thích sôi động hơn, bạn có thể ghé một số quán bar như Táu Bar, Delta Bar, Royal Bar, Valley View Bar ở Cầu Mây, Bamboo Bar, Mountain Bar & Pub, H'mong Sister Ba ở Mường Hoa, Gecko Sapa Bar ở Hàm Rồng...
Một góc quán bar ở Sa Pa. (Ảnh: Sapagreen)
Tắm lá người Dao: Chi phí dịch vụ tắm lá khoảng 200.000 đồng/ lần. Ngoài các cơ sở tắm lá người Dao ở trong thị trấn Sapa, nhiều khách du lịch còn tìm đến Hợp tác xã Dao Đỏ Sa Pa, xã Tả Phìn (cách thị trấn 12 km) để được phục vụ dịch vụ này.
Vui chơi - giải trí
Núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng nằm ngay sát ngay thị trấn Sapa, du khách có thể đi bộ đến đó. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, bạn được ngắm toàn cảnh Sapa, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
Đỉnh Phan Si Păng – Nóc nhà Đông Dương
Phan Si Păng là ngọn núi cao nhất của bán đảo Đông Dương (3.143m), nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn.
Trên đường lên đỉnh núi, du khách sẽ được khám phá hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú của dãy Hoàng Liên. Tại đó có rất nhiều cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, các loại gỗ quý, muông thú quý hiếm như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương, chim chóc…
Nhà thờ cổ Sa Pa
Nhà thờ cổ tại trị trấn Sa Pa mù sương. (Ảnh: Internet)
Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sapa, nhà thờ Đá sapa được xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương.
Bản Cát Cát
Đây là một bản lâu đời của người Mông, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 2km. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải… Bản Cát Cát ở gần thị trấn Sapa nên thu hút rất đông du khách ghé thăm. Hiện nay nơi đây đã được xây dựng thành khu du lịch Cát Cát.
Bản Tả Phìn
Bản Tả Phìn thuộc huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng Đông. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm nổi tiếng.. Đến bản Tả Phìn, bạn có thể ghé thăm hang động Tả Phìn ngay gần đó. Trong hang có nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh…
Thác Bạc – đỉnh Đèo
Thác Bạc là thắng cảnh rất nổi tiếng tại Sapa
Từ thị trấn Sa Pa, đi về phía Tây khoảng 12km trên đường đi Lai Châu, ta sẽ gặp Thác Bạc ào ào chảy xuống từ độ cao trên 200m vào dòng suối dưới thung lũng Ô Quy Hồ, tạo nên âm thanh núi rừng đầy ấn tượng.
Cổng trời
Lên cổng trời để được ngắm phong cảnh núi non hùng vĩ. (Ảnh: Internet)
Ra khỏi thị trấn Sa Pa, đi theo hướng Bắc khoảng 18km, đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng trùng điệp điệp. Đứng giữa cổng trời Sa Pa, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường ô tô xuôi ngược, xa xa là Thác Bạc.
Thắng cảnh Hang Tiên
Thắng cảnh Hang Tiên là một Hạ Long thu nhỏ, nhiều du khách đến đây vãn cảnh, tắm suối Tiên đắm mình trong ánh ban mai bên đảo hoa, đều cầu mong được ban phúc cho sắc đẹp, sức khỏe và phú quý.
Mua sắm
Đào “rọ”: Là thứ đặc sản nổi tiếng làm quà, những trái đào Sa Pa có vị chua thanh, ngọt mát. Ngoài khu chợ Sa Pa, bạn có thể mua đào "rọ" trên các xe thồ, vỉa hè dọc con đường bên trong thị trấn hoặc từ Sa Pa về Lào Cai. Bạn nên mua chiếc rọ để đựng đào mang về làm quà thay vì bằng túi nilông vì có thể khiến đào bị dập nát.
Quang cảnh mua sắm tấp nập ở Sa Pa. (Ảnh: Internet)
Thổ cẩm: Nên chọn thổ cẩm trang trí hoặc các vật dụng có họa tiết thổ cẩm như khăn, túi, balô, vỏ gối, váy, áo, chăn... Một số cửa hàng bán đồ thổ cẩm trên phố Cầu Mây: cửa hàng cô Nguyễn Lăng Vân, cửa hàng Hue Silk, cửa hàng thổ cẩm Phố núi Sa Pa, cửa hàng thổ cẩm Lan rừng Sa Pa... Tại một góc nhỏ trên tầng 2 chợ Sa Pa cũng bán rất nhiều loại thổ cẩm của người dân tộc với nhiều nét hoa văn họa tiết của người Mông.
Thuốc lá, thuốc nam: Ngoài một số vị thuốc như cam thảo, bạch truật, ngũ gia bì, hạt sen, tâm sen, tam thất, đương quy, xuyên khung, bát mộc hương, đỗ trọng, … bạn cũng có thể mua chợ hoặc các nhà thuốc đông y ở Sa Pa: sơn trà, mật ong rừng, nấm linh chi...
Đồ lưu niệm: Bạn có thể mua một số món đồ trang sức làm từ vàng, bạc, thủ công mỹ nghệ làm quà tặng tại các cửa hàng trên phố Cầu Mây, Mường Hoa, Phan Si Păng như Viet Silver, Mường Hoa Shop, cửa hàng đá mỹ nghệ, Sa Pa Silver, Woodcarving Shop...
Tổng hợp